(BG)-Hiệu quả sử dụng các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định và là đòi hỏi tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc đưa cơ giới vào đồng ruộng cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan cần sự nỗ lực quan tâm tháo gỡ ngay từ cơ chế, chính sách.
|
![]() Nông dân xã Thanh Hải (Lục Ngạn) đưa máy gặt đập liên hợp vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch. Ảnh: ĐỨC THỌ
|
Mục tiêu và thách thức Đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011-2015 xác định các mục tiêu cụ thể đối với trồng trọt, khâu làm đất 70-80% diện tích canh tác áp dụng cơ giới; khâu gieo trồng (chủ yếu là lúa), tỷ lệ cơ giới hóa đạt 30-35%; khâu thu hoạch, 20-30% sử dụng máy gặt đập liên hợp, khâu tuốt và tách hạt 90-100% sử dụng máy; sử dụng máy ở khâu tẽ hạt ngô lên tới 30%. Đối với thủy sản, đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâu chế biến thức ăn, quạt nước, sục khí lên 30-40% số trang trại nuôi thâm canh. Ngoài ra còn tổ chức tập huấn, hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP, hỗ trợ mua máy móc thiết bị sơ chế đóng gói, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch của vải thiều từ 13-15% xuống còn 8-10%. Thực hiện Đề án này có những thuận lợi cơ bản như: Hiệu quả của các loại máy nông nghiệp đã được khẳng định trên thực tế; có cơ chế chính sách hỗ trợ từ Trung ương; chính quyền, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện; thu nhập của nông dân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng, nhiều hộ dân, nhất là chủ trang trại có nhu cầu đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên có không ít khó khăn trong quá trình hiện thực hóa vấn đề này. Trước hết là nhận thức của một bộ phận nông dân, thậm chí cả cán bộ về vai trò của máy móc trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Không ít người cho rằng sử dụng sức kéo gia súc và sức lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp vẫn là kinh tế nhất nên chưa vội đưa máy móc vào các công đoạn sản xuất. Suy nghĩ như vậy tạo ra “rào cản” không nhỏ trong việc triển khai, thực hiện đề án. Ruộng đất của tỉnh ta vẫn còn manh mún, nhiều ô thửa nhỏ chưa thực sự thuận lợi cho việc sử dụng máy móc. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trung bình mỗi hộ nông dân sở hữu tới 6-7 thửa ruộng ở các xứ đồng khác nhau (trừ những xã điểm xây dựng nông thôn mới, chính quyền, ngành chức năng đang chỉ đạo dồn điền đổi thửa với mục tiêu mỗi hộ còn từ 1 đến 3 thửa ruộng), diện tích mỗi ruộng thường dưới một sào. Không chỉ có vậy, hạ tầng nông nghiệp ở một số địa phương chưa được quan tâm đầu tư, đường giao thông nội đồng phần lớn nhỏ, ruộng đất không bằng phẳng ngay trên cùng một xứ đồng. Thực tế đó làm cho các phương tiện cơ giới khó di chuyển, đồng thời tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn trong quá trình làm việc. Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Tuyết Thành giới thiệu máy tuốt lạc tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân chưa cao, tình trạng thiếu vốn đầu tư mua máy móc thiết bị khá phổ biến. Sản phẩm cơ giới hiện đại có giá hàng trăm triệu đồng, đây là số tiền mà không phải hộ nông dân nào cũng sẵn có. Đặc biệt, theo quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 và quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 63, các tổ chức, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất khi mua máy móc thiết bị có giá trị sản xuất trong nước (nội địa hóa) trên 60%. Quy định này là “nút thắt” lớn vì phần lớn nông dân có nhu cầu mua máy móc do Trung Quốc sản xuất bởi giá thấp, chủng loại các máy do Việt Nam sản xuất hoặc lắp ráp có tỷ lệ nội địa hơn 60% còn chưa thực sự đa dạng. Ông Đào Văn Vũ, Trưởng phòng Tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của ngành ngân hàng, đơn vị chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, thường xuyên đôn đốc, ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực này nhưng đến nay mới nhận được một hồ sơ đề nghị cho vay vốn hỗ trợ lãi suất theo quy định nhưng lại không đúng đối tượng được vay”. Thời gian sử dụng mỗi loại máy chỉ gói gọn trong vụ sản xuất, mỗi loại máy lại thường chỉ có một công năng nhất định (ít máy đa năng), chi phí sửa chữa, thay thế thiết bị, tỷ lệ hao mòn lớn nên nhiều hộ nông dân cũng không sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư. Một vấn đề khác là kinh phí thực hiện đề án. Theo quyết định phê duyệt Đề án của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến 2015 nhưng năm 2011 cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai, thực hiện đề án chưa được bố trí vốn, năm 2012 mới được phân bổ hơn 2,6 tỷ đồng xây dựng mô hình đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Những khó khăn trên đang là những rào cản, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện các mục tiêu Đề án đề ra. Những kiến nghị, đề xuất Để làm được điều này cần những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên. Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: “Từ thực tế hiện nay để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo hai vấn đề. Một là tích tụ ruộng đất, hình thành những ô thửa ruộng lớn thông qua dồn điền đổi thửa. Hai là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với các loại máy móc được hỗ trợ lãi suất vay vốn theo quy định hiện nay”. Chia sẻ điều này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng hỗ trợ lãi suất vốn vay theo quyết định 63 và 65 của Thủ tướng Chính phủ mục đích nhằm khuyến khích đưa cơ giới vào sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong khi đó, quy định tỷ lệ nội địa hóa nhằm thúc đẩy công nghiệp cơ khí nông nghiệp phát triển nên rất khó đạt được cả hai mục tiêu này. Vì thế nên bỏ quy định về tỷ lệ nội địa hóa mà nên quan tâm tới giá cả, chất lượng và công năng…Chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, lực lượng tham gia trực tiếp sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm đáng kể. Trong khi đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mẫu mã và khả năng cung ứng ngày càng cao nên nếu không hình thành những vùng sản xuất tập trung sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thời tiết diễn biến bất thường, nhiều cây trồng nếu không thu hoạch kịp thời khi có mưa bão có thể giảm đáng kể năng suất, thậm chí mất trắng. Thực tế trên đòi hỏi phải đưa cơ giới vào các khâu trong quá trình sản xuất để giải phóng sức lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, từng bước tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đi đôi với biện pháp trên là việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Các cấp, các ngành nên xác định đưa cơ giới vào sản xuất là một quá trình với thời gian 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Bởi thế cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích ý nghĩa, cơ chế chính sách của Nhà nước và hiệu quả của việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp dưới nhiều hình thức như qua các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, hội nghị hội thảo… Ngành chức năng căn cứ vào Đề án, hằng năm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tổ chức triển khai thực hiện thành công Đề án trên địa bàn. Ngoài kinh phí của Đề án cần bổ sung ngân sách của huyện, thành phố hỗ trợ cho việc áp dụng cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn và làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng do Nhà nước hỗ trợ để mua máy móc thiết bị cho các tổ chức và cá nhân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng máy móc thiết bị thực hiện cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, trình diễn, giới thiệu các loại máy móc thiết bị tới bà con nông dân, đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn xây dựng cơ chế bán hàng linh hoạt, có các điểm sửa chữa bảo hành thuận tiện cho người sử dụng máy. Các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp căn cứ vào nhu cầu sử dụng nghiên cứu lựa chọn chủng loại máy, phương thức thanh toán phù hợp, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cần chủ động nguồn vốn đầu tư, sớm áp dụng cơ giới trên đồng ruộng nhằm nâng cao giá trị thu về trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Nhóm Phóng viên |
Comment